Khoa học Môi trường, ngành học dành cho những người yêu thiên nhiên, nghiên cứu khoa học và mong muốn một thế giới trở nên tốt đẹp hơn
Môi trường là một mối quan tâm của toàn thế giới. Nhà khoa học môi trường, là người thực hiện ước mơ bảo vệ, nghiên cứu làm cho môi trường khỏe mạnh trở thành hiện thực. Yêu quý thiên nhiên là yêu cầu quan trọng của một nhà khoa học môi trường! Để trở thành một nhà khoa học môi trường, bạn sẽ phải tích lũy nhiều kiến thức chuyên môn cũng như tình yêu của mình để hiện thực mong muốn.
1. Sinh viên Khoa học Môi trường là ai?
Việt Nam hiện đang nằm trong những nhóm nước chịu tác động lớn nhất từ biến đổi khí hậu toàn cầu. Mặt khác, kinh tế ngày càng phát triển đã tác động xấu đến môi trường sống của con người, khiến vấn đề môi trường ngày càng trở nên cấp bách hơn. Chính vì vậy, hiện nay ngành Khoa học môi trường luôn được sự quan tâm của các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn yêu thích thiên nhiên, sinh học, cây cối và những gì tự nhiên.
Ngành khoa học môi trường nghiên cứu mối quan hệ và tương tác qua lại giữa con người với con người, giữa con người với thế giới sinh vật và môi trường vật lý xung quanh. Mục đích cuối cùng của công việc này là bảo vệ và cải thiện môi trường sống của con người trên Trái Đất. Do đó, đối tượng nghiên cứu cụ thể của khoa học môi trường là môi trường tự nhiên, môi trường xã hội cũng như môi trường nhân tạo trong mối quan hệ tương hỗ giữa sinh vật và con người. Từ những điều này, chúng ta sẽ có những hành động cụ thể để giúp môi trường trở nên tốt hơn, tư vấn chính sách cho các nhà hoạch định xem xét thay đổi.
Tại Việt Nam, các nhà khoa học môi trường còn là những người kêu gọi dự án quốc tế từ các nước phát triển về để tăng cường các hoạt động nghiên cứu, tăng giữ đất giữ rừng, góp phần bảo vệ tài nguyên, bảo vệ nguồn nước quốc gia.
2. Sinh viên tốt nghiệp ngành Khoa học Môi trường tại sẽ làm gì?
Những người làm ngành môi trường luôn là những người tiên phong trong công tác bảo vệ môi trường, góp sức mình và giúp mọi người cùng tháo gỡ những thách thức môi trường hiện nay. Họ không chỉ làm việc trong phạm vi đất nước mình mà còn ở khu vực, thậm chí trên toàn cầu.
Để làm được những công việc liên quan đến môi trường, sinh viên Đại học Đồng Nai sẽ được đào tạo bài bản các kiến thức chuyên môn lẫn phát triển kỹ năng mềm toàn diện. Một sinh viên ngành Khoa học môi trường sẽ được đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, thuyết trình tốt thông qua việc học trên lớp và các hoạt động sinh viên đa dạng của Khoa cũng như của trường.
Công việc của nhà khoa học môi trường rất đa dạng và linh hoạt:
- Nghiên cứu những đặc điểm của các thành phần môi trường tự nhiên hoặc môi trường nhân tạo (khu công nghiệp, đô thị, nông thôn…).
- Nghiên cứu mối quan hệ và tác động qua lại giữa con người với các thành phần của môi trường sống, từ đó tư vấn cho Nhà nước, các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế xã hội nhằm hạn chế những tác động xấu tới môi trường mà vẫn có thể đem lại lợi ích…
- Nghiên cứu các công cụ quản lý môi trường với các biện pháp về kinh tế, cũng như các biện pháp về pháp luật, xã hội, nhằm bảo vệ môi trường và sự phát triển bền vững của vùng, quốc gia cũng như toàn cầu.
- Tư vấn cho các cơ quan quản lý Nhà nước hoàn thiện chính sách về môi trường sao cho phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội, khai thác tài nguyên hợp lý nhất.
- Các nhà khoa học môi trường họ là thành viên của các nhà máy với nhiệm vụ tham gia vào quá trình đảm bảo chất lượng môi trường ở địa bàn hoạt động, giúp nhà máy đảm bảo tiêu chuẩn về nước thải, khí thải hay rác thải trước khi thải ra môi trường.
3. Sinh viên ngành khoa học môi trường làm việc ở đâu?
Trở thành một nhà khoa học môi trường, bạn sẽ có điều kiện làm việc rất đa dạng. Mọi hoạt động sinh hoạt, giải trí, kinh doanh, đặc biệt là sản xuất của con người đều liên quan mật thiết đến môi trường. Bởi vậy, nơi đâu cũng cần đến những nhà môi trường giỏi và tâm huyết với sự nghiệp giữ gìn màu xanh cho “hành tinh xanh”.
Sinh viên ngành Khoa học Môi trường ra trường sẽ làm việc ở những vị trí như sau:
- Thiết kế và vận hành hệ thống xử lý chất thải.
- Quan trắc và phân tích các chỉ tiêu môi trường.
- Tư vấn và lập các báo cáo về Bảo vệ môi trường như ĐTM, CM, CDM,…
- Xây dựng các quy trình Giám sát An toàn - Sức khỏe - Môi trường (HSE), ISO, HSAS,…
- Sinh viên sau khi tốt nghiệp có khả năng làm việc trong khu công nghiệp, các Nhà máy xử lý chất thải, các Trạm quan trắc môi trường, các Công ty tư vấn về môi trường, các Trường đại học, các Viện nghiên cứu và các cơ quan nhà nước chuyên trách về bảo vệ môi trường , các nhà máy có hệ thống quản lý môi trường và an toàn lao động…
Bên cạnh đó, gìn giữ “hành tinh xanh” là nhiệm vụ chung của cả nhân loại đòi hỏi sự hợp tác trên toàn thế giới. Bởi vậy, hiện nay, trên thế giới có nhiều tổ chức môi trường như các hiệp hội, các tổ chức phi chính phủ v.v… hoạt động rất mạnh.
Ngoài ra, không ít tổ chức phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa khác cũng tổ chức các dự án, hoạt động về môi trường. Các tổ chức như vậy là những nơi làm việc lý tưởng của các sinh viên ngành khoa học môi trường. Tại đây, bạn sẽ có nhiều cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với bạn bè quốc tế. Bạn cũng sẽ được tham gia vào những chương trình, dự án về môi trường trong phạm vi quốc gia, khu vực và quốc tế, được đi tới nhiều nơi, mở rộng tầm hiểu biết và cả kiến thức, kỹ năng chuyên môn của mình.
Xã hội càng đi dần vào công nghiệp hóa, tình trạng ô nhiễm ngày càng trở nên nặng nề và do đó, ngành công nghệ và quản lý môi trường càng lúc càng quan trọng. Tuy vậy, kỹ sư ngành này hiện đang rất thiếu cả về lượng và cả chất, đòi hỏi những người yêu nghề, yêu thiên nhiên và có quyết tâm thay đổi môi trường chung của chúng ta.
Liên hệ: Văn phòng tuyển sinh – Trường Đại học Đồng Nai
Địa chỉ: ĐC: Số 4, Lê Quý Đôn, phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Đồng Nai.
Điện thoại: 0982.193.981; 0904.993.819; 0914.074.076
Website:http://tonghop.dnpu.edu.vn